Xuân Từ Trong Ấy Mới Ban Ra
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Magazine Ngày 150107
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Cầm tờ lịch như nghịch ngợm với quyền lực...
* Cách tính lịch Gregorian - Hình trên báo Sống *
Khi bóc lịch, chúng ta tưởng là đếm thời gian mà chẳng hiểu gì cả...
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Cầm tờ lịch như nghịch ngợm với quyền lực...
* Cách tính lịch Gregorian - Hình trên báo Sống *
Khi bóc lịch, chúng ta tưởng là đếm thời gian mà chẳng hiểu gì cả...
Năm 1582, Đức Giáo hoàng Gregory XIII cho ban hành tấm lịch mới để thay Lịch Julian của Hoàng đế Julius Ceasar đã có từ thời Đế quốc La Mã, 1627 năm về trước (năm 45 trước Công nguyên). Từ đó, tấm lịch thịnh hành nhất thế giới hiện nay mới có tên là Lịch Gregorian, mà ta vẫn gọi là Dương lịch. Trong khi lịch Julian lại có ảnh hưởng rất lớn của vầng nguyệt nên cũng có thể gọi là Âm lịch. Mà vẫn khác lịch Ta.
Về thời khoảng thì lịch mới khác lịch cũ ở một khoảnh khắc trung bình chỉ là 0.002% của một năm: một năm thông thường từ 365 ngày và sáu tiếng thì chỉ còn 365 ngày, năm tiếng, 49 phút và 12 giây - vỏn vẹn có 10 phút 48 giây. Khác có vậy thôi mà sao cũng đổi để phiền lòng thần dân bá tánh?
Thật ra, khác biệt lớn nhất là cách phân bố khoảng thời gian ấy qua 12 tháng với mục đích ban đầu là tính ra lễ Phục Sinh cho sát ngày Xuân phân... Xin hãy gọi mục tiêu đó thuộc về lễ nghi của tín ngưỡng, nhưng vẫn duy trì những quy ước sinh hoạt căn bản về canh tác mùa màng theo sự xoay vần của địa cầu chung quanh hai vầng nhật nguyệt.
Phải 170 năm sau, năm 1752, Đế quốc Anh mới lần đầu tiên dùng Lịch Gregorian.
Khi ấy, một trong mấy nhân vật thông thái nhất thời đại là Benjamin Franklin ở Hoa Kỳ dí dỏm nói đến điều mà chúng ta ở bên Mỹ có gặp một năm hai lần vì chuyện đổi giờ. Năm 1752 đó, Benjamin Franklin mới có 47 tuổi, còn trẻ lắm vì sẽ sống thêm 38 năm, mà đã tự coi là ông già. Có lẽ vì sự già dặn của tâm trí trong một tâm hồn rất thanh xuân. Bậc Quốc phụ trung niên đó của Hoa Kỳ bình như sau về chuyện Mẫu quốc đổi lịch: "Quả là rất vui cho một ông già vì có thể đi ngủ vào ngày 2 Tháng Chín, rồi đến ngày 14 Tháng Chín mới phải thức giấc."
Lý do là hệ thống lịch mới đã phóng 11 ngày vào không gian vô tận: có 11 ngày bị thủ tiêu cho tiện việc sổ sách. Thời đó, anh chị nào mà khai rằng em sinh vào ngày 10 Tháng Chín năm 1752 thì chắc chắn là man khai lý lịch.
Trước đấy, Lịch Gregorian (hay Gregorius) cũng đã thủ tiêu 10 ngày... Cũng vì chuyện đổi thay ấy mà Tổ phụ của nước Mỹ là Georges Washington mới có hai lần sinh nhật: vào ngày sinh thật là 11 Tháng Hai năm 1731, rồi được toàn dân ăn mừng vào ngày 22 Tháng Hai theo lịch mới...
***
Đầu năm tây, khi bóc tờ lịch mới, ta bâng khuâng nghĩ đến những đổi thay, và cách đánh dấu sự đổi thay. Nhưng ai đánh dấu? Mà tại sao Tú Xương lại viết "Xuân từ trong ấy mới ban ra"?
"Trong ấy" là trong kinh đô của nước An Nam tại Huế, và tấm lịch là do vua ban ra cho toàn dân theo đó mà sống. Nhưng khi ấy, nhà vua không có quyền và dân ta đã phải sống theo... lịch Tây. Khổ thật, mà hình như cũng tiện thật. Hình như thôi.
Cầm tấm lịch mới, người viết này không muốn làm độc giả mệt trí mà luận về lịch pháp là các phương pháp làm lịch. Nhiều toán học lắm! Nhưng sẽ cố tình làm độc giả khổ tâm khi nói về pháp lệnh!
Ngẫm lại thì từ khi nhân loại biết đếm, con người đã muốn đếm thời gian. Nếu suy cho đúng thì trước khi biết viết - để có ngôn ngữ - loài người đã phải biết đếm. Đếm con, đếm vợ, đếm gia súc và đấu gạo sau khi đã đếm con mồi từ buổi săn đầu ngày trong cõi hồng hoang. Những hệ thống đo đếm thời gian, kể cả thủ tiêu tháng ngày bất tiện như chúng ta vừa nhắc lại, thường có tính chất chủ quan độc đoán, và gây nhiều xáo trộn nếu áp dụng phương pháp thiếu khoa học. Không chỉ gây xáo trộn, người ta còn áp đặt một trật tự mới cho những người luyến tiếc chế độ cũ.
Lịch sử môn lịch pháp hay lịch số của nhân loại ở phương Tây thường xuất phát từ óc tự mãn của các Hoàng đế.
Chẳng vậy mà Augustus Ceasar bị châm biếm là quy định Tháng Tám (tháng Sextilis trong lịch Julian của tiên đế Julius Ceasar) cũng phải có 31 ngày. Vì thế mà hai tháng July và August đều có 31 ngày! Đấy chỉ là lời chọc cho vui của Johannes de Sacrobosco. Ông là một nhà tu, nhà thiên văn học và vị bác học của thế kỷ 14, đã góp phần sửa sai lịch Julian. Chứ thật ra tháng Sextilis cũng có 31 ngày.
Sau các Hoàng đế mới là những tính toán hơn thiệt về tiện dụng của các Giáo hội, các Giáo hoàng hay Trưởng lão.
Nhưng trước sau thì họ vẫn phải dựa vào sự hiểu biết của giới thiên văn học và toán pháp, vì thành phần khoa học này mới biết nhìn lên các tinh tú và cúi xuống tính nhẩm để nhân loại có thể sống hài hòa với thiên nhiên. Thế rồi, vì tầm nhìn ngắn ngủi của con người ở từng nơi trước vũ trụ mênh mông bí hiểm bao trùm lên vạn vật, ta thấy loại lịch nào cũng có những bất cập và sai trệch, cho nên mới phải bày ra tháng đủ tháng thiếu hay năm nhuận tháng nhuận khá nhức đầu.
Nói đến lịch vua ban cho nhà thơ Tú Xương và tấm lịch Tây mà ta bắt đầu phảỉ dùng, người viết này thấy ra một quy luật: dựa trên địa dư của từng khu vực, lịch pháp cũng là áp đặt chính trị.
***
Lịch Ai Cập dựa trên mùa nước của sông Nile. Lịch Gregorian dựa trên sự đổi thay về khí hậu do ảnh hưởng của vầng dương trên Bắc Bán cầu. Chứ xuống Nam Bán cầu thì mùa Hè ấm áp của Tây lại là mùa Đông lạnh lẽo của Úc. Như Nam Mỹ ngày xưa thì xài lịch của dân Maya. Người Hy Lạp, người Tầu, người Ta và nhiều dân khác cũng có lịch riêng của mình.... Đó là về địa dư.
Thế rồi khi lịch Gregorian được nước Anh áp dụng và truyền bá ra Âu Châu thì cũng là lúc người dân của lục địa này khống chế cả thế giới qua các thuyền buôn đi cùng pháo hạm. Tiến trình "toàn cầu hóa" như ta nói thời nay khởi sự từ thế kỷ 18, từ vai trò lấn át của Đế quốc Anh rồi các nước Âu châu cho đến Hoa Kỳ ngày nay. Toàn cầu hóa vì toàn cầu lần lượt cùng đếm ngày như nhau và loại bỏ dần tấm lịch cũ của mình... Chủ yếu là để làm ăn nói năng với nhau cho đúng hẹn đúng ngày.
Như là mãi đến năm 1923, Hy Lạp mới theo trào lưu tân tiến ấy. Còn Liên bang Xô viết thì chỉ dùng lịch Gregorian từ năm 1918, cho nên "Cách mạng Tháng 10" vào năm 1917 của Lenin mới là Tháng 11 dương lịch. Trước đấy, nếu các nước theo Công giáo như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha vui vẻ dùng lịch Gregorian thì các nước theo Thanh giáo, Tin lành như Anh và Đức, hoặc theo Chính thống giáo tại phương Đông của Âu châu (Eastern Orthodox) như Nga thì ngần ngại vì coi đó là một âm mưu áp đảo của Giáo hội La Mã. Ngày nay, Chính thống giáo tại Nga vẫn còn dùng lịch Julian là vì lẽ đó.
Thấy người viết này lóc góc gõ bài cho đầu năm, khách có kẻ cắc cớ mới hỏi. Thế còn lịch Ta và lịch Tầu?
Mẹ kiếp!
***
Nỗi khổ cho các sử gia của Đông phương nằm dưới bóng rợp Trung Hoa là ta đếm thời gian theo... hình tròn.
Cứ 60 năm lại xoay về vòng hoa giáp cũ. Ở trên cùng của cái vỏng tròn tròn đó, vẫn có vị Hoàng đế đã định ra mốc thời gian rất riêng tây của mình mà gọi là niên hiệu.
Vì vậy, nếu thấy sử viết rằng năm Ất Mùi có biến cố gì xảy ra thì ta phải đếm lại, đó là năm Ất Mùi nào? Nghĩa là vuốt thời gian cho phẳng thì mới thấy được trước sau, cũ mới. Khốn khổ hơn nữa là khi thấy viết về chuyện xảy ra năm Vĩnh Lạc thứ sáu của Tầu hay Hồng Đức thứ tám của Ta!
Vì còn phải xem Chu Lệ Vương bên Tầu lên ngôi là Minh Thành Tổ và lấy niên hiệu Vĩnh Lạc từ năm nào? Còn Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế là Lê Thánh Tông đã lấy niên hiệu Hồng Đức từ năm nào? Ông vua được coi là anh minh này của chúng ta lấy hai niên hiệu, trước là sáu năm Quang Thuận (1460-1469) sau mới là 27 năm Hồng Đức, từ 1470 đến 1497.
Mà những tên gọi như Minh Thành Tổ hay Lê Thánh Tông đều là miếu hiệu, tên để thờ sau khi mấy ngài đã mãn kiếp ta bà. Như vậy quả là sử gia rất khổ vì phải đếm lịch.
Sau đó, cả nước còn khổ vì nạn kỵ húy, phải tránh dùng những tên mà người trên đã lấy. Tức là người trên cho ta cái quy ước sinh hoạt với nhau, mà lâu lâu lấy lại vài chữ. Cho nên ta mới phát minh thêm cái chữ điền thế, như Nhậm thành Nhiệm, Hoa thành Bông, Hoàng thành Huỳnh, rồi Võ Vũ linh tinh lẫn lộn... Càng thêm phong phú vì chú tân binh ra võ trường tập bắn khi vị sĩ quan vào vũ trường lả lướt.
Trong cả ngàn năm, chúng ta đã sống tựa con sâu cái kiến như vậy và cả nước có đo đếm hoặc thiểu số có đi thi thì phải nằm lòng những quy ước loại trời giáng đó để khỏi lọt trường thi.
Thế rồi qua đến thế kỷ 20 thì cõi Đông phương màu hồng này còn tiếp nhận thêm một chân lý trời hành khác. Nó không là tấm lịch Gregorian mà là lý luận của Lenin.
Khai triển triết lý tào lao của Karl Marx rằng hạ tầng cơ sở vật chất mới chi phối thượng tầng ý thức là chính trị, Lenin đảo ngược học thuyết của Fredrick Engels trong cuốn "Chống Duhring" bằng lập luận quái đản: phải có ý thức tâm linh đúng đắn trên thượng tầng. Vì nếu lý luận sai về tư tưởng là chệch hướng về chính trị, là đi ngược quy luật tiến hóa, là xét lại và phản đảng.
Các Hoàng đế ngày xưa chỉ ban tấm lịch từ tòa Khâm thiên giám soạn ra rồi ngồi khoanh tay mơ chuyện "vô vi nhi trị".Cóc làm gì hết mà cũng mưa thuận gió hoà. Cộng sản ngày nay thì mơ chuyện toàn trị - và kiểm soát từ cái đầu trở xuống!
Từ đấy ta mới thấy Stalin, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn hoặc Lê Đức Thỏ vân vân thi thố cái tài áp đặt tư tưởng. Không chỉ đếm đúng ngày mà còn phải dùng đúng chữ và nói đúng cái chân lý bất di bất dịch từ trên ban xuống!
Sau đó, nếu có đổi chữ, đổi lịch hay đổi tiền thì cũng chỉ là tất yếu, thường tình. Hèn gì, dưới các chế độ ấy, người ta dùng tiền như vàng mã trong ngày Thanh Minh!
Đốt thả cửa cho một đám cô hồn.
__________________
(Yết lại từ trang songnews.net của tuần báo Sống. Xin độc giả của Dainamax tìm vào trang đó).
Nhận xét
Đăng nhận xét