“Ký sinh trùng lạ” hút máu trong phổi bệnh nhi


GS-TS Nguyễn Văn Đề, Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Hà Nội), vừa cho biết qua phân tích ban đầu, các nhà khoa học khẳng định, 4 ký sinh trùng lạ trong phổi bệnh nhi Đinh Thành Long (11 tuổi, ở Hải Dương) là loại ký sinh trùng hút máu, thường ký sinh trong mang cá. Tuy nhiên, đối chiếu với y văn thế giới lại chưa thấy nhắc đến loại ký sinh trùng này, do đó chưa thể xác định được đường lây nhiễm.

Theo phán đoán ban đầu, có thể bệnh nhi bơi lội ở vùng nước có loại ký sinh trùng này sinh sống. 

Trước đó, ngày 25-10, cháu Long được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng ho ra máu tươi, tức ngực, khó thở.
NLĐ
Chưa xác định được ký sinh trùng lạ

Bệnh nhân L., 11 tuổi, nhập viện do có nhiều ký sinh trùng lạ trong phổi

Sau gần 2 tháng kể từ khi phát hiện ký sinh trùng lạ đầu tiên trong phổi một bệnh nhi, đến nay các nhà khoa học VN và thế giới vẫn chưa tìm ra manh mối của loại ký trùng đặc biệt này

Hơn 1 tháng được theo dõi và điều trị tích cực tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (Hà Nội), sức khỏe cháu Đinh Thành L., 11 tuổi, ở Hải Dương, tốt hơn rất nhiều, không còn ho ra máu tươi, bệnh nhi vừa được xuất viện. Theo lời kể của người nhà cháu L., ngày 20-10, bé L. đang chơi nhưng đột nhiên ho ra máu tươi, ho liên tục, mỗi lần ho ra khoảng một chén nhỏ máu... 

Những ký sinh trùng có hình thù kỳ lạ 

Ngày 22-10, cháu được chuyển đến BV Nhi Trung ương, tại đây các bác sĩ đã làm các xét nghiệm, chụp phim nhưng vẫn lắc đầu vì không tìm được nguyên nhân khiến bệnh nhi ho ra máu. 

Ngày 25-10, TS Đào Minh Tuấn, Phó trưởng Khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, đã phải dùng đến phương pháp soi phế quản cho bệnh nhi. Đây là kỹ thuật cao, hiện đại ít BV trong nước thực hiện. 

Các bác sĩ đã phát hiện tổ chức hình thù rất lạ, chưa từng gặp trong các trường hợp hóc dị vật đường thở và cũng khác hẳn loại vắt hay đỉa đã từng được biết đến trong một số trường hợp bị dị vật đường thở. 

Cấu trúc này có hình thỏi, dài, màu trắng đục lấp lỗ phế quản phân thùy 6 của bệnh nhi và đang mải mê hút máu. Khi được gắp ra, con ký sinh trùng giống như loài thủy sinh có đầu, phần đuôi có 2 ngạch, có giác bám, toàn thân dài 2,3 cm và rộng 3,4 mm. 

Tuy nhiên, 2 ngày sau, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng ho ra máu tươi. Tiếp tục nội soi, các bác sĩ phát hiện thêm 1 ký sinh trùng lạ tương đối giống con đầu tiên nhưng vị trí nằm khá sâu ở trong phế quản nhỏ khác của bệnh nhi. 

Ngày 7-11, ký sinh trùng thứ 3 “nở” trong phổi bệnh nhi được phát hiện. Và gần đây nhất, ngày 22-11, lại thêm một ký sinh trùng thứ 4 được gắp ra từ phổi cháu bé này. 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề, Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội, đối chiếu với y văn thế giới, các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ mô tả nào tương tự như những ký sinh trùng được gắp ra từ phổi của bệnh nhi L.. Chính vì thế, con ký sinh trùng đầu tiên đã được cắt ra hàng ngàn đoạn với hy vọng tìm ra vị trí phân loại của chúng trong ngân hàng gien thế giới. 

Hiện nhóm nghiên cứu đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tham gia định danh ký sinh trùng lạ này, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được thành phần loài của chúng. 

Qua nghiên cứu, bước đầu, các chuyên gia xác định đây là loài trung gian, thể hoạt động của con ký sinh trùng bên ngoài lớn nhưng khi lớn đến khoảng 1 mm thì chúng chết dần. 

Còn hàng trăm ký sinh trùng lạ khác 

Điều khiến các bác sĩ nghi ngại là 4 con ký sinh trùng được gắp ra từ phổi bệnh nhi không phải là ký sinh trùng cuối cùng. PGS-TS Đề cho biết, trong dịch rửa màng phổi, các bác sĩ cũng đã phát hiện thêm nhiều ký sinh trùng nhỏ khác đang sinh sôi nhưng lại không cùng loại gien với ký sinh trùng đã được gắp ra. 

Hiện bệnh nhân không còn ho ra máu nữa, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định trong phổi bệnh nhân đã hết ấu trùng hay chưa! 

Điểm đặc biệt ở đây là con ký sinh trùng hút máu này rất khỏe, các bác sĩ đã gây mê nội phế quản bệnh nhân nhưng nó vẫn bám rất chắc vào phổi bệnh nhi, chỉ khi dùng tới dao điện để đốt thì ký sinh trùng mới chết. TS Tuấn cũng cảnh báo, nếu không phát hiện kịp thời để gắp con ký sinh trùng này ra thì bệnh nhi có thể nguy hiểm tính mạng vì mất nhiều máu. 

Hiện đường lây nhiễm của ký sinh trùng này chưa được xác định mà chỉ biết rằng chúng thuộc loại ngoại ký sinh trùng hút máu thường ký sinh trong mang cá. Nhiều chuyên gia nghi ngờ, có thể bệnh nhi nuốt phải ấu trùng khi bơi lội, tuy nhiên qua điều tra ban đầu, gần đây bệnh nhi không hề tắm sông suối, ao hồ.

NLĐ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thuốc giảm đau có hại cho gan

Bệnh vàng da

Bệnh lạ tại An Giang: Hơn 50% ca đã xuất viện